TỰ TỬ VÀ MẠNG XÃ HỘI – Lời khuyên dành cho phụ huynh và nhà chuyên môn

Lời kêu gọi

Vấn đề sức khỏe tinh thần, hành vi tự hại, và tự sát trên mạng xã hội vẫn là một chủ đề nóng đối với thanh thiếu niên và người lớn – và nó xảy ra ngay trước mắt chúng ta. Các chuyên gia cho rằng việc sử dụng mạng xã hội ở người trẻ lúc nào cũng có mặt tích cực lẫn tiêu cực, và điều quan trọng là giúp tối đa hóa những ích lợi đồng thời giảm thiểu mọi mối nguy hại tiềm ẩn. Cha mẹ cần sẵn sàng để có những đối thoại cần thiết với con cái về chủ đề này. Các khuyến nghị sau đây do Hiệp Hội Phòng Chống Tự Sát Hoa Kỳ (American Association of Suicidology) phối hợp cùng các bác sĩ và chuyên gia đầu ngành biên soạn, nhằm dành cho cho bất kỳ ai mong muốn giúp người trẻ định hướng trong thời kỳ số hoá ngày nay. 

Những gợi ý cho phụ huynh lẫn nhà chuyên môn:

  • Là những người “nhập cư” vào thời đại số hoá (trong khi trẻ con là bản địa), cha mẹ nên tìm hiểu về cách dùng và  các xu hướng hiện tại  trên mạng xã hội. Những ứng dụng và trang web nào phổ biến với giới trẻ? Các con mình đang dùng nền tảng nào và có bao nhiêu tài khoản? Những nền tảng nào bọn trẻ dùng để trò chuyện với bạn bè, còn mạng xã hội nào chủ yếu dành cho giải trí? 
  • Cha mẹ nên theo sát việc truy cập và sử dụng internet lẫn mạng xã hội của các con. Việc giám sát khi nào, tại sao, và mức độ thế nào phụ thuộc vào giai đoạn phát triển cũng như tình trạng sức khỏe tinh thần của trẻ. 
  • Việc thường xuyên tiếp xúc những hình ảnh bạo lực, bất kể đối tượng của bạo lực là chính người đó hay người khác, chắc chắn không có tác động tốt với bất cứ người dùng nào, nhất là với trẻ nhỏ. 
  • Một số trẻ dễ bị tổn thương về mặt tâm lý. 
  • Cha mẹ và các bác sĩ nhi khoa nên hỏi han các em, đặc biệt là các trẻ dễ bị tổn thương, về đời sống số, trải nghiệm trên mạng xã hội, và những ảnh hưởng của việc sử dụng đối với sinh hoạt thường nhật của các em. 
  • Nếu bạn trong vai trò nhà trị liệu và đang can thiệp khủng hoảng cho trẻ thì việc tìm hiểu về đời sống ảo/ mạng xã hội là một yếu tố bắt buộc phải đánh giá khi xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn.  
  • Khảo sát trên giới trẻ cho thấy các em có được cảm giác vui thích và được kết nối khi dùng mạng xã hội. Khi đánh giá cuộc sống số của trẻ, người lớn cần nhớ nhìn nhận cả những khía cạnh tích cực lẫn các ảnh hưởng tiêu cực tiềm ẩn.
  • Nếu để ý các dấu hiệu đáng lo, bác sĩ, cha mẹ, giáo viên, hay người giám hộ nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia hoặc người làm chuyên môn sức khoẻ tâm thần. 
  • Cùng với việc phụ huynh và các chuyên gia sức khoẻ ngày càng tham gia tích cực hơn trong việc ngăn chặn tự tử, chúng tôi kêu gọi những nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội cần chung tay để ngăn ngừa vấn đề tự sát ở quy mô lớn hơn. Chúng ta cần nhiều hơn những liên minh đa ngành, chẳng hạn như Ủy ban Công nghệ và Đổi Mới (Technology and Innovations Committee) do Hiệp Hội Phòng Chống Tự Sát Hoa Kỳ thiết lập. 

CÁC CÔNG CỤ KIỂM SOÁT VIỆC DÙNG MẠNG Ở TRẺ

  • Các nhà mạng thường cung cấp miễn phí các thiết lập phân quyền cho cha mẹ để có thể giới hạn thời gian trẻ dùng mạng xã hội, nền tảng nào trẻ được phép truy cập, và số giờ trẻ có thể online.
  • Phần cứng – ngày nay có khá nhiều thiết bị cho phép phụ huynh bật, tắt, điều chỉnh, hoặc giới hạn thời gian truy cập WiFi trong nhà hoặc cho từng thiết bị một.
  • Thết lập các chế độ lọc nội dung – Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ Internet đều có tính năng cho phép bạn lọc nội dung theo độ tuổi (chẳng hạn ngăn trẻ truy cập các hình ảnh 18+) hoặc chặn các trang mạng xã hội không phù hợp.

Điều quan trọng khi phụ huynh sử dụng các công cụ này là theo sát và điều chỉnh. Các giới hạn này không nên cứng nhắc mà cần được làm chặt, củng cố, hoặc nới lỏng tùy quy định mỗi gia đình đặt ra với trẻ khi dùng Internet và mạng xã hội, cũng như khi trẻ có các vấn đề đáng lo ngại khi sử dụng.

 

*Bài gốc: American Association of Suicidology (2019). Suicide and Social Media

(Chuyển ngữ: Anh Thư – CTV; Hiệu đính chuyên môn: NCS. ThS TLLS Nguyễn Đức Nhật)

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on whatsapp
WhatsApp